C/O Form A – B dùng khi nào và các thủ tục để được cấp

Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) là một chứng từ quan trọng chứng minh nguồn gốc của hàng hóa và luôn được yêu cầu xuất trình trong bộ chứng từ xuất nhập khẩu. Có rất nhiều loại C/O như trong bài viết trước mình đã giới thiệu nhưng hôm nay mình sẽ đi sâu hơn cùng các bạn về C/O form A, form B và cách chuẩn bị các giấy tờ để được cấp.

Tại sao mình lại gộp C/O form A và form B cùng nhau trong bài viết này?

Vì C/O form A và form B được áp dụng cho rất nhiều nước đang là bạn hàng xuất khẩu của Việt Nam nên 2 loại C/O này rất phổ biến hiện nay. Hơn nữa, 2 form này cũng giống nhau, giấy tờ chuẩn bị cũng tương đồng và phần lớn đều được cấp bởi Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI (Riêng đối với C/O mẫu A hàng giày dép xuất khẩu sang Châu Âu thì được cấp bởi Các phòng quản lý Xuất nhập khẩu của Bộ Công thương, một số ban quản lý khu chế xuất, khu Công nghiệp).

C/O Form A và Form B xuất đi đâu?

C/O form A áp dụng cho hàng xuất khẩu sang các nước cho Việt Nam hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập GSP (Phần lớn các nước châu Âu như Italy, Norway, United Kingdom…) Có C/O này hàng hoá xuất khẩu sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi GSP của nước nhập khẩu. Trong khi đó, C/O form B áp dụng cho hàng xuất khẩu sang tất cả các nước, cấp theo quy định xuất xứ không ưu đãi (Ví dụ như Kuwait, Saudi Arabia…) (Quy định cụ thể hơn được ghi rõ ở mặt đằng sau form C/O)

Các giấy tờ cần thiết để được cấp giấy chứng nhận xuất xứ C/O

– Vận đơn đường biển Bill of Lading: Sao y bản chính

– Hóa đơn thương mại Commercial Invoice: Bản gốc

– Phiếu đóng gói Packing List: Bản gốc

– Tờ khai hải quan: Sao y bản chính (phải là TKHQ thông quan)

– Bản giải trình quy trình sản xuất: Sao y bản chính (Giải trình quy trình sản xuất ra sản phẩm từ các nguyên vật liệu đầu vào)

– Bảng định mức tiêu hao nguyên vật liệu: Sao y bản chính (Thể hiện rõ trong sản phẩm có bao nhiêu % nguyên liệu A, bao nhiêu % nguyên liệu B)

– Hóa đơn mua bán nguyên vật liệu: Sao y bản chính (trong trường hợp doanh nghiệp mua nguyên vật liệu trong nước) hoặc tờ khai hải quan nhập khẩu nguyên vật liệu (trong trường hợp doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu)

– Hóa đơn mua bán sản phẩm xuất khẩu: Sao y bản chính + mang bản gốc để đối chiếu (trong trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu là công ty thương mại, không trực tiếp sản xuất mà mua sản phẩm về đề xuất khẩu đi)

– Đơn đăng ký cấp C/O form A, B: Doanh nghiệp xuất khẩu khai báo online và in ra trên trang web hoặc doanh nghiệp in ra từ hệ thống COMIS

Đơn cấp CO form A-B
Đơn cấp CO form A-B
Thủ tục cấp C/O form A, B
Thủ tục cấp C/O form A, B

(Ảnh chụp từ hệ thống khai CO: covcci.com.vn. Hệ thống này chỉ in ra được từ trình duyệt Internet Explorer. Hiện nay hệ thống này sắp tạm dừng và vẫn đang được áp dụng song song cùng hệ thống mới)

Thủ tục xin cấp CO
Thủ tục xin cấp CO

(Ảnh chụp từ màn hình hệ thống khai báo C/O mới: hstn.covcci.com.vn. Doanh nghiệp phải đăng ký với VCCI và được kích hoạt tài khoản + mật khẩu để truy cập vào hệ thống)

– Ngoài ra còn có các giấy tờ khác: như Giấy phép xuất khẩu; Hợp đồng mua bán; Công văn cam kết; Mẫu nguyên, phụ liệu hoặc sản phẩm xuất khẩu; hoặc các chứng từ khác để chứng minh xuất xứ của sản phẩm. Tuỳ từng mặt hàng và nước xuất khẩu đặc thù, cán bộ C/O sẽ hướng dẫn doanh nghiệp cung cấp các giấy tờ này

Nội dung trên giấy chứng nhận xuất xứ C/O

Các bạn có thể xem ở dưới C/O form A và form B. Vì nội dung 2 mẫu tương tự nhau nên mình sẽ giải thích mẫu B, mẫu A các bạn tự quy sang.

Nội dung CO form AB
Nội dung CO form AB
Chi tiết CO form AB
Chi tiết CO form AB

– Mục 1: Thông tin công ty xuất khẩu: Tên, địa chỉ, tel, fax
– Mục 2: Thông tin công ty nhập khẩu: Tên, địa chỉ, tel, fax
– Mục 3: Tên, số hiệu phương thức vận chuyển, ngày tàu chạy, cảng đi, cảng đến
– Mục 4: Tên cơ quan cấp C/O: VIETNAM CHAMBER OF COMMERCE AND INDUSTRY. ADDRESS: NO 9, DAO DUY ANH STREET, HA NOI, VIET NAM
– Mục 5: Để trống
– Mục 6: Mô tả hàng hóa: Số đơn hàng, số L/C, tên hàng, số lượng, đóng gói…
– Mục 7: Trọng lượng tổng hoặc số lượng khác (50 pallet hoặc 3000 cái…)
– Mục 8: Số và ngày Invoice
– Mục 9: Ký xác nhận của VCCI
– Mục 10: Ký xác nhận của doanh nghiệp

Một bộ C/O thường bao gồm 1 bản chính và 2-3 bản copy (VCCI sẽ giữ lại 1 bản).

Các vấn đề khác

– Form C/O mua ở đâu? Mua ở các tổ cấp C/O của VCCI, giá 20k/tờ, có hóa đơn

– Thời gian cấp C/O? Nếu C/O của bạn đầy đủ các giấy tờ thì thời gian cấp C/O chỉ trong buổi mà bạn nộp hồ sơ (nộp buổi sáng, có C/O trong buổi sáng; nộp buổi chiều, có C/O trong buổi chiều).

– Cấp lại C/O? Trong trường hợp khách hàng yêu cầu thay đổi nội dung trên C/O hoặc nội dung trên C/O bị sai, doanh nghiệp phải làm đơn xin cấp lại C/O và nộp lại form C/O đã được cấp cùng toàn bộ các giấy tờ cần thiết như đã liệt kê ở trên, doanh nghiệp sẽ được cấp lại C/O.

Kết luận

Qua bài viết này, mình đã giới thiệu và hướng dẫn các bạn cách chuẩn bị hồ sơ và quy trình xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ C/O form A và form B. Đối với 1 vài lần đầu cấp C/O, thủ tục còn có thể mới lạ với các bạn và có thể hơi “khó khăn” từ phía cán bộ cấp C/O nhưng vài lần trở đi, các bạn sẽ thấy C/O không có gì là khó và phức tạp. Hy vọng các bạn sẽ nhanh chóng làm quen và thông thạo nghiệp vụ này.

4.9/5 - (1500 bình chọn)