Nội Dung
Trở thành nhà quản lý chuỗi cung ứng giỏi nhất
Một nhà Quản lý Chuỗi cung ứng giỏi luôn được săn đón trên thị trường. Bạn có thể thử từ khóa “Supply Chain Manager” trên các trang tuyển dụng như Neuvoo hay Vietnamwork để thấy nhu cầu hiện nay lớn đến thế nào.
Mr. Lô đã có cơ hội làm việc với rất nhiều nhà quản lý Chuỗi cung ứng (Supply Chain Manager – SCM) khác nhau, nhưng điều nổi bật là các nhà quản lý này có đều có một số tố chất nhất định, và nhờ những tố chất đó mà họ đã trở nên thành công.
Và điều thú vị là đa phần các tố chất này được hình thành nhờ thói quen và những nỗ lực không ngừng của họ.
-
Một SCM giỏi là người luôn đem lại kết quả
Một sự thật hiển nhiên là Chuỗi cung ứng phải luôn đem lại hiệu quả cho công ty. Những SCM giỏi phải luôn đem lại hiệu quả về chi phí, chất lượng và thời gian. Điều này được thực hiện qua việc theo dõi KPI và cải thiện nó hằng ngày (chứ không phải là điều chỉnh thông số để KPI nhìn cho đẹp mắt).
Hướng tới kết quả là một tố chất quan trọng để đạt được thành công trong Chuỗi cung ứng. Đặc biệt ở vị trí SCM, họ luôn có khát khao đạt được thành tựu chung với cả nhóm. SCM luôn thấu hiểu việc “Làm thế nào” để đạt được kết quả và “Kết quả nào” đáng để nỗ lực hướng tới.
-
SCM phải nắm vững kiến thức chuyên môn
Với trách nhiệm giám sát và ra quyết định thay đổi Chuỗi cung ứng, một SCM phải nắm rõ các kiến thức về thu mua, sản xuất, tồn kho và vận chuyển. Thông thường các SCM sẽ bắt đầu ở một phòng ban trong 4 mảng trên và dần dần trao dồi kiến thức để leo lên vị trí cao nhất của Chuỗi cung ứng.
Nhưng trên thực tế, bằng khả năng lãnh đạo nổi trội của mình, một số quản lý Sales hoặc Vận hành cũng có cơ hội được đề bạc lên thành quản lý Chuỗi cung ứng. Tuy nhiên những trường hợp này thường gặp rắc rối khi phải ra quyết định mang tính chuyên môn cao, khó thuyết phục cấp trên hoặc làm cho cấp dưới thấu hiểu hoàn toàn.
-
SCM phải xây dựng được sự tín nhiệm
Một SCM thành công là người xây dựng và bảo toàn sự được tín nhiệm của mình qua thời gian. Và họ làm các đó qua 4 Cs:
– Consistent – Kiên định: Đã nói được là phải làm được.
– Competence – Năng lực: Không ngừng học hỏi và áp dụng những kỹ năng, kiến thức chuyên môn.
– Commitment – Cam kết: Luôn đạt được kết quả dù có những khó khăn và trở ngại.
– Concern – Sự quan tâm: Thành thật chia sẻ suy nghĩ, kiến thức và cảm xúc với mọi người.
-
SCM có khả năng kiến tạo và thực thi chiến lược
Như những quản lý khác, các SCM phải có đầu óc chiến lược và bản năng kinh doanh tốt. Họ luôn nhận ra được cục diện chung và hướng cả nhóm Chuỗi cung ứng đến thành công. SCM còn phải đảm bảo trằng các thành viên trong nhóm biết mình nên làm gì (và không nên làm gì). Ngoài ra, SCM còn nhận biết được xu hướng thị trường, để đảm bảo đề ra các kế hoạch và định hướng chính xác.
Điều quan trọng nhất là các SCM luôn đưa ra các quyết định sáng suốt dựa trên phân tích, kinh nghiệm, yếu tố khách quan và bản năng của họ.
-
SCM giỏi là người tạo ra các SCM tương lai
Một SCM giỏi luôn khuyến khích, động viên và phát triển người khác. Họ đóng góp vào sự phát triển công ty bằng cách đào tạo ra nguồn nhân lực giỏi và tài năng cho cả doanh nghiệp.
-
SCM luôn không ngừng học hỏi và đổi mới
Những nhà quản lý tốt thường thay đổi các định kiến làm việc bằng những kiến thức mới. Họ biết rằng sự đổi mới là một phần không tránh khỏi của phát triển, và một chuỗi cung ứng tốt là chuỗi cung ứng luôn nắm bắt được thị trường.
Và hành động thay đổi và tìm kiếm kiếm thức mới sẽ cải thiện tinh thần của cả nhóm, khiến bộ phận Chuỗi cung ứng của công ty trở nên năng động hơn. Hiệu quả hơn trong công việc.
-
SCM luôn là người biết chia sẻ
Một SCM luôn nhận trách nhiệm về những quyết định của mình; chấp nhận khuyết điểm và chia sẻ các thành công với cả nhóm. Họ luôn sẵn sàng trao đổi kiến thức và kinh nghiệm với người khác.
Tóm lại
Để trở thành một Nhà quản lý chuỗi cung ứng giỏi thật không dễ dàng. Tuy nhiên những tố chất trên đều có thể rèn luyện được qua thời gian và Nếu thật sự đam mê Chuỗi cung ứng, bạn sẽ biến nó thành điểm mạnh của riêng mình.