Thủ tục xin giấy phép nhập khẩu thiết bị viễn thông

HỎI ĐÁP:

Công ty của tôi hiện đang kinh doanh các loại thiết bị viễn thông. Chúng tôi có kế hoạch nhập khẩu thiết bị định vị (GPS VT 3.1). Xin hỏi thiết bị này có phải xin giấy phép nhập khẩu không

Trả lời:

Theo Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư số 02/2006/TT-BBCVT ngày 24/4/2006 hướng dẫn thi hành Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài đối với hàng hoá thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông), những thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện có băng tần số nằm trong khoảng từ 9 kHz đến 400 GHz, có công suất từ 60mW trở lên thuộc Danh mục thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện nhập khẩu cần giấy phép nhập khẩu.

Thiết bị định vị (GPS VT 3.1) là loại thiết bị có thể thu phát sóng vô tuyến điện có băng tần nằm trong khoảng 800MHz đến 1900MHz, công suất 80mW dùng để đo đạc vị trí không gian, định vị quản lý phương tiện vận tải, ghi lại lộ trình của các phương tiện vận tải…

Như vậy, thiết bị định vị (GPS VT 3.1) là thiết bị thu phát sóng thuộc danh mục thiết bị thu, phát sóng vô tuyến điện phải xin giấy phép nhập khẩu của Cục quản lý chất lượng – Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thủ tục công ty phải thực hiện để xin cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị phát, thu – phát song vô tuyến điện như sau:

1. Chuẩn bị hồ sơ:

 a. Thành phần hồ sơ: Công ty chuẩn bị bộ hồ sơ, bao gồm:

– Đơn đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện theo Mẫu 04 thuộc Phụ lục III Thông tư 14/2011/TT-BTTTT ngày 07/6/2011.

– Bản sao có chứng thực (đối với trường hợp gửi qua đường bưu chính) hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu (đối với trường hợp nộp trực tiếp) giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân (giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hoặc Quyết định/giấy phép thành lập, hoặc giấy chứng nhận đầu tư/giấy phép đầu tư, hoặc chứng minh nhân dân/hộ chiếu,…) ;

– Bản sao giấy chứng nhận hợp quy;

– Tài liệu kỹ thuật của thiết bị;

– Bản sao chứng thực sao y bản chính của người nhập khẩu hợp đồng hoặc chứng từ, vận đơn thể hiện tên, ký hiệu, số lượng hàng hóa nhập khẩu.

b. Số lượng hồ sơ: 01 bộ bản chính

c. Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:

“Đơn đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu”

Theo Mẫu 04 thuộc Phụ lục III Thông tư 14/2011/TT-BTTTT ngày 07/6/2011.

2. Nộp hồ sơ:

– Nộp trực tiếp tại trụ sở cơ quan hành chính;

– Qua hệ thống bưu chính.

 
Xin giấy phép thủ tục xuất khẩu thiết bị viễn thông
Xin giấy phép thủ tục xuất khẩu thiết bị viễn thông
 

Địa điểm nộp hồ sơ:

1. Cục Viễn thông: Tòa nhà VNTA, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

2. Trung tâm Kiểm định và Chứng nhận 1: Phòng 103, Tòa nhà VNTA, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành  phố Hà Nội.

3. Trung tâm Kiểm định và Chứng nhận 2: Số 27 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

4. Trung tâm Kiểm định và Chứng nhận 3: Lô 8 Nguyễn Văn Linh, phường Nam Dương, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

3. Thẩm định hồ sơ: Cục Viễn thông tiếp nhận xử lý hồ sơ.

4. Trả kết quả: Trong thời gian 07 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Viễn thông cấp giấy phép nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân.

5. Điều kiện, yêu cầu thực hiện thủ tục:

Các thiết bị phát, thu – phát sóng vô tuyến điện được nhập khẩu phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Phù hợp với công nghệ, mạng lưới viễn thông Việt Nam và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng phát xạ, an toàn bức xạ, an toàn tương thích điện từ trường của thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hoặc công bố bắt buộc áp dụng; phù hợp với vị trí lắp đặt thiết bị và các quy định về quản lý viễn thông.

– Phù hợp với Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện Quốc gia được quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các quy định về quy hoạch tần số vô tuyến điện liên quan.

– Giấy phép nhập khẩu thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến được sử dụng một hoặc nhiều lần để nhập khẩu lô hàng được xác định trên Giấy phép có hiệu lực cho đến lúc lô hàng đó được thông quan hoàn toàn, không vượt qua số lượng ghi trong giấy phép và trong thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận hợp quy.

6. Căn cứ pháp lý:

– Luật Viễn thông.

– Luật Tần số vô tuyến điện.

– Quyết định số 41/2005/QĐ-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế cấp phép nhập khẩu hàng hóa.

– Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài.

– Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông.

– Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 50/2011/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2011.

– Thông tư số 14/2011/TT-BTTTT ngày 07/6/2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết thi hành Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ đối với hàng hóa chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông.

 

4.9/5 - (1500 bình chọn)